Câu chuyện:
Có bao giờ bạn đi ngang một nơi, một địa điểm có một cái tên mới “lạ” mặc dù chạy xe qua rồi vẫn phải quay ngoắc lại xem đó là gì, tại sao lại có tên như vậy? Về nhà cứ canh cánh trong lòng, và nghĩ thầm trong bụng là hôm sau phải quay lại xem, hỏi cho ra lẽ mới được. Và câu đầu tiên ghé lại hỏi là “Thừa phát lại là gì?”. Đó là câu chuyện đã xảy ra tại Văn phòng thừa phát lại Thịnh Vượng của chúng tôi – một trong hai văn phòng Thừa phát lại đầu tiên được cấp phép thành lập trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tìm hiểu về Thừa phát lại:
Thừa phát lại là một nghề xuất hiện khá sớm và phát triển mạnh ở các quốc gia châu Âu – lục địa sau đó du nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới, thời điểm đó Thừa phát lại được gọi là “Người bảo lãnh” (tiếng anh là Bailiff). Trong tiếng Pháp, Thừa phát lại gọi là “Huissier” dịch sang tiếng Việt là Gác cửa, Mõ tòa, Trưởng toà.
Tại Việt Nam, Thừa phát lại được sử dụng là một từ Hán Việt cổ, “Thừa” có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa lệnh; “phát” tức là phát ra, đưa đến; “lại” là quan lại – một chức vụ trong bộ máy hành chính thời trước. Theo Hán – Việt từ điển Đào Duy Anh thì Thừa phát lại là “Người thuộc lại ở Tòa án sơ cấp hay Tòa án địa phương” giữ việc tống đạt các văn thư, chấp hành điều phán quyết của Tòa…
Chế định Thừa phát lại đã tồn tại ở Việt Nam từ thời kỳ phong kiến và được áp dụng ở thời kỳ Pháp thuộc. Sau cách mạng tháng Tám 1945, trong những năm đầu của chính quyền cách mạng, trên cơ sở sắc lệnh ngày 10/10/1945 của chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tạm giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam bộ với điều kiện “không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể Cộng Hòa”, chế định Thừa phát lại tiếp tục được duy trì. Ở miền Nam, chế định này tồn tại cho tới năm 1975.
Thời điểm hiện tại, Thừa phát lại được giải thích tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 08/2020/NĐ-CP như sau: “Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”. Như vậy, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về tống đạt, lập vi bằng , xác minh điều kiện thi hành án dân sự , tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Thừa pháp lại là một chức danh tư pháp cũng là một nghề cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Cơ sở tham khảo:
– Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
– Luận án Tiến sĩ luật học – Pháp luật về Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay – Tác giả Huỳnh Đức Thái Lâm Hoàng – 2019;
– Sổ tay Thừa phát lại – Tổng cục thi hành án dân sự – 2010.
_______________________________________________________
Mọi giao dịch với Văn phòng Thừa phát lại Thịnh Vượng xin liên hệ:
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI THỊNH VƯỢNG
Địa chỉ trụ sở: Lô P22-50-51-52, Đường 3 Tháng 2, khu đô thị Phú Cường, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Email: thuaphatlaithinhvuong@gmail.com
Website: thuaphatlaithinhvuong.com
Người đại diện theo pháp luật: Ông PHÙNG NGUYÊN KHÁNH.
Số điện thoại liên hệ: 0943.799.755; 02973.666.989.